Đóng lại
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nạo phá thai không an toàn: Suýt chết vì “tuyệt chiêu”

Nạo phá thai không an toàn: Suýt chết vì “tuyệt chiêu”

Phá thai bằng que, phá thai bằng thuốc xông, thuốc Bắc, thuốc Nam... là những cách chấm dứt thai nghén “quái đản” mà không ít người vì “nhỡ” đã áp dụng. Hiệu quả chưa thấy đâu, chỉ thấy phần nhiều trong số đó đã bị biến chứng, đe dọa tính mạng bản thân.

Nạo phá thai không an toàn: Suýt chết vì “tuyệt chiêu” 1
Vợ chồng nên chủ động sử dụng các biện pháp KHHGĐ phù hợp để phòng tránh có thai ngoài ý muốn. Tranh minh họa.
 
Mấy năm gần đây, phá thai nội khoa (PTNK) hay còn gọi là phá thai bằng thuốc được coi là “tuyệt chiêu” bởi phương pháp này tập hợp hầu như toàn thể những lý do như tiện lợi, kín đáo, không phải đụng dao kéo, đặc biệt là dễ mua, dễ sử dụng. Nhưng theo các bác sĩ sản khoa: Dù thành công tới 95-97% nhưng không phải ai cũng được áp dụng và nếu tự ý dùng hậu quả khôn lường.
 
Rước họa vì tin...  dễ sử dụng
Vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh kiểm tra, chấn chỉnh dịch vụ phá thai.

Theo đó, Bộ yêu cầu các Sở Y tế tăng cường chỉ đạo kiểm tra, thanh tra hoạt động của các cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở y tế tư nhân có dịch vụ phá thai trên địa bàn; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định. Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo và đào tạo lại về phá thai an toàn cho cán bộ cung cấp dịch vụ phá thai ở tất cả các tuyến, kể cả cơ sở y tế tư nhân. Trước đó, qua giám sát tại nhiều địa phương, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở y tế, trong đó phần lớn là cơ sở tư nhân vi phạm quy định về chuyên môn, để xảy ra tai biến nghiêm trọng do phá thai không an toàn.

Theo thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng 1,2 - 1,6 triệu ca nạo phá thai, trong đó, số ca ở độ tuổi 15 - 19 chiếm khoảng 40%. Đáng lo ngại, tình trạng phá thai không an toàn vẫn còn phổ biến.

Khi phóng viên gõ cụm từ “phá thai bằng thuốc” (PTBT) trên Google, chỉ trong 0,25 giây đã cho 3.600.000 kết quả. Tìm hiểu thông tin qua các đường link này, chúng tôi dễ dàng thấy chỉ dẫn về cách sử dụng, cách theo dõi, hiệu quả của thuốc... một cách cụ thể, rõ ràng, chi tiết.

BS Nguyễn Thị Hồng Minh – Giám đốc Trung tâm Kế hoạch hóa gia đình (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) chia sẻ: Thông tin trên mạng chỉ mang tính chất tham khảo, nếu người đọc cứ làm theo thì hậu quả rất khó lường. Ưu điểm vượt trội của phương pháp chấm dứt thai nghén này là không can thiệp dao kéo, hiệu quả đến 95-97% nhưng nếu không tuân thủ nghiêm ngặt đúng quy trình thì tử vong không là chuyện hiếm. Mặt khác, cũng như rất nhiều loại thuốc đều phải có những cảnh báo bởi không phải ai cũng được phép áp dụng. Phương pháp PTBT không thể áp dụng đối với những người đã sinh mổ, bị bệnh tim, thận, hen rối loạn đông máu, thiếu máu...

BS Hồng Minh nhớ lại: Cách đây không lâu, một trường hợp bệnh nhân tại TPHCM do phá thai quá tuổi quy định bằng thuốc tại một cơ sở y tế tư nhân không được cấp chứng chỉ, bác sĩ chưa được đào tạo thủ thuật đã khiến thai phụ bị băng huyết, phải sống đời thực vật. Trên một số diễn đàn như: Lamchame, webtretho..., PTBT là một chủ đề được rất nhiều bà mẹ quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm và cả những lo lắng sau những lần thất bại của mình.

Chị T.H.K (TP Nam Định) cũng vì được “mách nhỏ” về phương pháp “an toàn, dễ sử dụng” này nên mua thuốc về “tự xử”. Những ngày uống thuốc, chị rất mệt, lại nơm nớp lo sợ, hoang mang vì chưa thấy thai ra. Sút mất 1kg, da xanh, môi nhợt nhạt và hay bị xa xẩm mặt mày lúc đứng dậy, chị  bị rong huyết gần 2 tuần, phải tiêm 5 mũi thuốc cho cầm máu. Đi siêu âm lại tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, vẫn còn thai và phải hút, chị còn bị ra máu thêm vài ngày. May mắn được cấp cứu kịp thời nên tính mạng không sao.

Thêm nữa, PTNK chỉ được áp dụng khi phá thai sớm, thai đã nằm trong tử cung. “Thai phụ không thể tự biết thai đã vào tử cung hay chưa, nếu tự ý mua thuốc phá thai về uống theo hướng dẫn trên mạng thì nguy cơ cao nhất là tử vong không phải hiếm”, BS Hồng Minh nói.
 
Bác sĩ phải có chứng chỉ mới được thực hiện PTNK

Cũng theo bác sĩ sản phụ khoa Hồng Minh: Ngoài băng huyết, thai phụ sau đó có thể sót thai hoặc sót rau; một số ca gây chảy máu nhiều và kéo dài, đau bụng nhiều trong quá trình sảy thai, hoặc có thể bị tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, ớn lạnh, sốt… Ngay cả khi bệnh nhân uống thuốc không đúng cách, rau thai cũng ra không hết, gây nhiễm trùng nặng. Do đó, theo các chuyên gia sản khoa, không phải “cứ uống là... xong” mà bệnh nhân cần cẩn trọng theo dõi diễn tiến quá trình ra máu, có bất kỳ dấu hiệu nào cần thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn, chỉ định.

Ngoài ra, theo các chuyên gia sản khoa, dù không can thiệp dao kéo nhưng nguy cơ nhiễm khuẩn đường sinh dục khá cao bởi quá trình PTBT, bệnh nhân ra máu lâu hơn, đây là môi trường thuận lợi cho nhiễm khuẩn huyết, có thể gây tử vong. “Nhất thiết phải thận trọng, tham khảo ý kiến chuyên gia, bác sĩ sản khoa. Tâm lý e ngại đến phòng khám sợ đông người, cần kín đáo không quan trọng bằng chính tính mạng của mình...” – BS Minh cảnh báo.

Năm 2004, Bộ Y tế đã đưa hướng dẫn phá thai nội khoa vào hệ thống quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS). Năm 2009 theo “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ CSSKSS” đã quy định:  Ở tuyến huyện chỉ được phép PTBT khi thai dưới 7 tuần, ở tuyến tỉnh dưới 8 tuần và ở tuyến TƯ dưới 9 tuần”.

Theo ông Nguyễn Việt Cường – Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, không phải bác sĩ chuyên ngành sản – phụ khoa nào cũng được làm, họ phải được đào tạo về PTBT mới được thực hiện phương pháp này. Tại Hà Nội, hàng năm, các cơ sở y tế được cấp phép, các bác sĩ hàng năm phải được tập huấn và tập huấn lại tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Theo ông Cường, để làm dịch vụ PTBT bởi các bác sĩ được đào tạo, khách hàng cần tìm hiểu xem cơ sở đã có giấy chứng nhận chưa. Thậm chí, nên hỏi trực tiếp bác sĩ, không nên e ngại để phòng trường hợp PTBT “chui”.

Một tin không vui được BS Hồng Minh chia sẻ: Trong quá trình thực hiện công tác KHHGĐ, rất nhiều trường hợp đến với Trung tâm trong tình trạng xuất huyết nặng, viêm nhiễm, nhiễm khuẩn huyết do tự ý dùng thuốc phá thai hoặc đến các cơ sở y tế tư nhân chưa được cấp phép nhằm được “xử lý nhanh gọn” nhưng không được dặn dò kỹ càng, chỉ định sai... Hỏi ra, nhiều bệnh nhân còn cho chúng tôi biết mua thuốc phá thai rất dễ dàng...

Theo các chuyên gia sản khoa, đối với chị em trong độ tuổi sinh đẻ cần áp dụng các biện pháp tránh thai để thực hiện KHHGĐ, phòng tránh thai nghén ngoài ý muốn. Nếu mang thai ngoài ý muốn, chị em phụ nữ cần đi khám, siêu âm chính xác tại các cơ sở y tế được cấp phép để kiểm tra tuổi thai, sức khỏe, vị trí thai và để tư vấn áp dụng phương pháp phá thai hợp lý.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Hoạt động bệnh viện
  • IMG_7184
  • IMG_4411
  • IMG_7005
Video Clip
Sơ đồ bệnh viện
Thông báo văn bản