Đóng
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỆNH VIỆN ĐA KHOA KHU VỰC NGỌC HỒI
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CHÚC MỪNG NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27/2/1955 – 27/2/2025)

CHÚC MỪNG NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27/2/1955 – 27/2/2025)

 

 

 

LỊCH SỬ NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM 27/2

         

Cách đây đúng 70 năm, ngày 27/2/1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành y tế với những lời dạy quý báu. Từ đó, ngày này được xem là ngày tôn vinh các y, bác sĩ và những người đang làm việc trong ngành y tế và là “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”. Nhân dịp này, xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất, thắm thiết nhất đến các anh, các chị đã, đang và sẽ là những y, bác sĩ, những người phục vụ trong ngành y tế. Chúc các anh, các chị và các bạn luôn hạnh phúc và xứng danh “Lương y như từ mẫu”. Nhân đây, xin trích nguyên văn lá thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ y tế năm 1955, để một lần nữa chúng ta nhận thức sâu sắc hơn lời dạy của Bác đối với ngành y tế Việt Nam và những lời dạy quý báu đó vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi người hãy góp một tay để xây dựng một ngành y tế trong sạch, có đủ trình độ sách vai với bè bạn trên Thế giới và luôn xứng đáng với niềm tin của nhân dân “Lương y như từ mẫu”:

 

          “Thư gửi Hội nghị Cán bộ Y tế”

 

          Bác thân ái chúc các cô (nghe nói có nữ bác sĩ ở Nam về?), các chú vui vẻ, mạnh khỏe, hăng hái trao đổi kinh nghiệm, bàn định kế hoạch cho thiết thực và làm việc cho tiến bộ.

          Bác góp vài ý kiến sau đây để giúp các cô, các chú thảo luận:

          - Trước hết là phải thật thà đoàn kết – Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.

          Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.

         - Thương yêu người bệnh – Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang.

          Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.

           “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.

           - Xây dựng một nền y học của ta – Trong những năm nước ta bị nô lệ, thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập, tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc : khoa học, dân tộc và đại chúng.
            Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”.

Mong các cô, các chú cố gắng thi đua làm tròn nhiệm vụ.


          Chào thân ái và thành công.

                                                                                   Tháng 2 năm 1955


                                                                                              HỒ CHÍ MINH

 

 

 

 

VẬN DỤNG SÁNG TẠO QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐỐI VỚI NGÀNH Y

            Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Ngành y và cán bộ, nhân viên y tế thường được Người động viên, khích lệ, bồi dưỡng, chỉ bảo kịp thời, chu đáo.

          Tháng 3 năm 1948, khi nhân dân và bộ đội ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hy sinh, gian khổ, Bác đã gửi thư thăm hỏi tất cả các nhân viên nam nữ trong quân y. Người khẳng định: “Từ ngày kháng chiến đến nay, quân y phát triển rất khá và các bác sỹ, khán hộ, cứu thương, ai cũng chịu khó, cố gắng. Đó là những điểm rất tốt”. Song quân y cũng như mọi việc khác, chúng ta phải cố gắng để tiến bộ hơn nữa.

Người khuyên: Thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu. Vì chiến tranh, sinh hoạt khắc khổ, điều kiện khó khăn, thầy thuốc thiếu nhã nhặn với bệnh binh. Vì́ vậy, nên lấy lòng nhân ái mà cảm hóa thương bệnh binh.

Người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền.

Trong kháng chiến, nhân tài về chuyên môn nói chung, các y, bác sĩ giỏi còn rất thiếu. Vì vậy, Người gửi thư động viên cán bộ nhân viên “các ngành chuyên môn, nhất là ngành thuốc, sẽ được trọng đãi, tất nhiên ngành thuốc phải cố gắng làm thoả mãn nhu cầu của đồng bào” và khích lệ việc nghiên cứu tìm tòi, chế tạo các loại thuốc chữa bệnh hoặc tìm các giải pháp phát triển nhanh nền y học cách mạng: “Người nào hoặc bộ phận nào tìm được, chế tạo được một thứ thuốc mới có hiệu quả hoặc nghĩ ra cách mới làm cho việc y tế tiến bộ, mau chóng hơn thì sẽ được trọng thưởng”.

Theo Người: Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khoẻ đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau chóng thành công. Vì vậy cần phải chăm lo xây dựng đội ngũ thầy thuốc và ngành y đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngành y và xây dựng đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên ngành y được thể hiện rất rõ trong các bức thư Người gửi Hội nghị cán bộ y tế vào các năm 1953, khi nhân dân ta chuẩn bị kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và vào năm 1955, khi hòa bình đã lập lại nhân dân miền Bắc bắt đầu bước vào thời kỳ mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những quan điểm nổi bật của Người về xây dựng ngành y và cán bộ nhân viên y tế là:

Thứ nhất, cần xây dựng đội ngũ cán bộ y tế, bác sỹ, y tá, những người giúp việc có tình thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, cần phải tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân. Về chuyên môn: Cán bộ y tế cần học tập, nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ, chú trọng những vấn đề thiết thực và thích hợp với hoàn cảnh. Về chính trị, cần trau dồi tư tưởng và đạo đức cách mạng, có tinh thần yêu nước, yêu dân, yêu nghề, thi đua học tập và công tác.

Thứ hai, cần phải xây dựng một nền y học cách mạng. Những năm nước ta bị thực dân thống trị, thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. “Nay chúng ta độc lập, tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học ngày càng phải dựa trên nguyên tắc: Khoa học, dân tộc và đại chúng”.

Thứ ba, phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh. Về cách điều trị bệnh cần kết hợp các phương pháp cổ truyền với các phương pháp hiện đại của thế giới. “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây”.

Thứ tư, về tổ chức bộ máy ngành Y, cần chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy từ trên xuống dưới làm cho nó gọn gàng, hợp lí, ít tốn của mà làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân. Cần lựa chọn và đào tạo nhiều cán bộ mới trong thanh niên nam nữ, dạy cho họ làm những công việc chuyên môn cần thiết.

Thứ năm, cán bộ, nhân viên ngành Y phải thật thà đoàn kết. “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sỹ, dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc”. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi cán bộ, viên chức, nhân viên y tế phải không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn, xứng đáng với sự tin cậy và tôn vinh của xã hội. Người thầy thuốc giỏi đồng thời là “người mẹ hiền".

Hiện nay, ngành y tế còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các vấn đề khống chế, giải quyết sự quá tải và giảm chất lượng của hệ thống khám chữa bệnh, các vấn đề về y tế cơ sở, công tác bảo hiểm y tế, thách thức vẫn còn đối với công tác y tế dự phòng và vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ; dân số kế hoạch hoá gia đình và sức khỏe bà mẹ - trẻ em; việc cung ứng và quản lý giá cả thuốc chữa bệnh; công tác quản lý Nhà nước, kế hoạch, tài chính và mở rộng hợp tác quốc tế.

Ngành y tế cần tập trung mọi lực lượng, tiếp tục triển khai các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh; thực hiện có hiệu quả việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Thực hiện các giải pháp chống quá tải, giảm dần tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép giường; luân phiên cán bộ y tế giữa các tuyến trên và tuyến dưới, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn y tế cho cơ sở. Phát triển mạng lưới y dược cổ truyền. Bảo đảm đủ thuốc thiết yếu phục vụ công tác điều trị, triển khai các biện pháp hữu hiệu để  bình ổn giá thuốc, đảm bảo chất lượng thuốc. Làm tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình.

Có sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sự tham gia của nhân dân, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ,  viên chức người lao động trong toàn ngành, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân chắc chắn sẽ đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

 

          Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, mong rằng các thầy thuốc luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như người mẹ hiền", tận tụy hơn nữa với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong hiện tại và tương lai, xứng đáng với sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân, bản thân mỗi cán bộ y tế phải biết tự chọn cho mình lối sống, phong cách giao tiếp và ứng xử trước sự đớn đau của người bệnh.

 

 

Ngọc Hồi, ngày 17 tháng 02 năm 2025

 

Người siêu tầm và tổng hợp

 

Thầy Thuốc Ưu Tú

Lê Văn Chinh

 

 


Tác giả: Thầy thuốc ưu tú, BSCK II Lê Văn Chinh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Hoạt động bệnh viện
  • IMG_7184
  • IMG_4411
  • IMG_7005
Video Clip
Sơ đồ bệnh viện
Thông báo văn bản