MÔ HÌNH BỆNH TẬT NGƯỜI CAO TUỔI TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA KHU VỰC NGỌC HỒI GIAI ĐOẠN 2018 - 2023
MÔ HÌNH BỆNH TẬT NGƯỜI CAO TUỔI TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA KHU VỰC NGỌC HỒI GIAI ĐOẠN 2018 - 2023
Lê Quỳnh Trang1, Nguyễn Quảng Trí, Phan Thị Ngọc Anh,Trần Thị Hoài Yên, Nguyễn Văn Túc Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi
TÓM TẮT
Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả và phân tích mô hình của người cao tuổi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi giai đoạn 2018 - 2023.
Phương pháp nghiên cứu: Là một nghiên cứu mô tả cắt ngang hồi cứu 7.961 người cao tuổi đến khám và nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi giai đoạn 2018 - 2023.
Kết quả: Nhóm tuổi từ 70 đến 79 tuổi chiếm đa số với tỷ lệ 45,6%. Độ tuổi trung bình là 75,6 tuổi. Chương bệnh X bệnh của hệ hô hấp chiếm tỷ lệ cao nhất 22,2%, chương bệnh XIII bệnh hệ cơ, xương, khớp và mô liên kết chiếm thứ hai với tỷ lệ 18,1%, tiếp đếp là chương bệnh IX bệnh hệ tuần hoàn chiếm 16,2%. 10 bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất của người cao tuổi trong giai đoạn 2018-2023 là Thoái hoá cột sống (M47) với tỷ lệ 7,44%, tiếp đến là tăng huyết áp vô căn (I10) 6,73%; đau thần kinh toạ (M54.3) 6,21%; suy hô hấp cấp (J96.0) 5,23%; viêm khổi (J18) 4,76%; đau vùng cổ gáy (M54.2) 4,16%; sốt không đặc hiệu (R50.9) 4,16%; đau thắt ngực (I20) 2,5%; đột quỵ (I64) 2,37% và viêm ruột thừ cấp (K35) 2,22%. Có mối liên quan giữa nhóm tuổi và nhóm bệnh.
Khuyến nghị: Kết quả trên cho thấy, mô hình bệnh tật người cao tuổi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi giai đoạn 2018 - 2023 có sự ưu thế ở nhóm bệnh không lây nhiễm (liên quan tới hệ nội tiết, cơ xương khớp, hô hấp). Kết quả này cung cấp cơ sở cho việc tiếp tục nghiên cứu với mẫu số lớn hơn, hỗ trợ việc điều chỉnh chính sách và phát triển các chương trình can thiệp phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng khám điều trị tại bệnh viện cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi tại cộng đồng.
Từ khoá: Mô hình bệnh tật, người cao tuổi, Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Già hóa dân số đang là một trong những vấn đề trọng tâm của các quốc gia trên thế giới. Nâng cao chất lượng đời sống và gia tăng tuổi thọ trung bình là đánh dấu thành tựu của quá trình phát triển. Tuy nhiên, đồng thời với gia tăng tuổi thọ trong bối cảnh mức sinh thay thế không được duy trì bền vững thì xu thế già hóa dân số nhanh là một tất yếu. Con người sống lâu hơn nhờ những bước tiến vượt bậc về y tế, điều trị y khoa, tiếp cận giáo dục và giảm tỷ lệ sinh. Ước tính thế giới hiện có trên 761 triệu người từ 65 tuổi trở lên, con số này dự kiến tăng lên 1,6 tỷ người vào năm 2050. Số người từ 80 tuổi trở lên trên thế giới cũng tăng nhanh chóng [8].
Người cao tuổi thường mắc một lúc nhiều bệnh đa số là bệnh mạn tính không lây. Trung bình một người cao tuổi mắc 2,69 bệnh, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên trung bình mắc 6,9 bệnh [8]. Mô hình bệnh tật của một quốc gia, một cộng đồng là sự phản ánh tình hình sức khỏe, tình hình kinh tế-xã hội của quốc gia hay cộng đồng đó. Việc xác định mô hình bệnh tật là việc làm hết sức cần thiết, nó giúp cho ngành y tế, cho bệnh viện xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách toàn diện. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu về khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng cao, vấn đề chăm sóc sức khỏe cũng có nhiều thay đổi, trong đó có người cao tuổi. Với tình hình thực tế chưa có các nghiên cứu liên quan đến mô hình bệnh tật của người cao tuổi trên địa bàn, đồng thời để đánh giá thực trạng nhằm triển khai các giải pháp để tăng cường hoạt động khám chữa bệnh, xác định những tồn tại các yếu tố tác động, từ đó là căn cứ giúp định hướng đầu tư các trang thiết bị hợp lý và chuẩn bị nhân sự phù hợp xu hướng bệnh tật của người cao tuổi trong những năm tới nhằm giảm gánh nặng bệnh tật, vì vậy chúng tôi thực hiện nghiên cứu “Mô hình bệnh tật người cao tuổi tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi giai đoạn 2018 – 2023”.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu: Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân là người cao tuổi điều trị ngoại trú và nội trú tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi từ 01/01/2018 đến 31/12/2023.
2.2. Địa điểm và thời gian nghiên cứu: Nghiên cứu được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi từ tháng 5/2024 đến tháng 10/2024.
2.3. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, hồi cứu dữ liệu có sẵn.
2.4. Cỡ mẫu và kỹ thuật chọn mẫu: Toàn bộ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân người cao tuổi điều trị ngoại trú và nội trú tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi từ tháng 01/2018 đến tháng 12/2023 được quản lý trên phần mềm hồ sơ bệnh án, thỏa tiêu chí chọn mẫu và không thuộc tiêu chí loại trừ.
2.5. Biến số nghiên cứu: Các nhóm biến số NC gồm đặc điểm của ĐTNC (7 biến số); Mô hình bệnh tật (gồm 22 chương).
2.6. Phương pháp thu thập số liệu: Hồi cứu thông tin trên dữ liệu hệ thống phần mềm của Bệnh viện.
2.7. Phương pháp xử lý và phân tích số liệu: Toàn bộ các thông tin được mã hóa, làm sạch trước khi nhập bằng chương trình Epidata 3.1, sau đó sử dụng phần mềm SPSS 20 để phân tích. Áp dụng các phân tích mô tả: Tính tần số (N), tỷ lệ phần trăm (%). Tính giá trị trung bình (mean), độ lệch chuẩn (sd) đối với biến định lượng có phân bố chuẩn; tính giá trị median, khoảng tứ phân vị nếu phân bố không chuẩn. Các kết quả phân tích số liệu được trình bày dưới dạng các bảng và hình.
2.8. Đạo đức nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện khi được sự cho phép của Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi. Mọi thông tin cá nhân về đối tượng nghiên cứu được giữ kín. Các số liệu, thông tin thu thập được chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu, không phục vụ cho mục đích nào khác.
3. KẾT QUẢ
Bảng 3.1. Phân bố bệnh tật theo 22 chương bệnh ICD-10 theo từng năm
Chương bệnh | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 |
I | 58 (3,1%) | 44 (2,5%) | 62 (3,4%) | 14 (1,3%) | 17 (2,3%) | 5 (0,7%) |
II | 55 (2,9%) | 36 (2,1%) | 32 (1,7%) | 17 (1,6%) | 9 (1,2%) | 5 (0,7%) |
III | 7 (0,4%) | 4 (0,2%) | 4 (0,2%) | 2 (0,2%) | 1 (0,1%) | 0 (0,0%) |
IV | 17 (0,9%) | 10 (0,6%) | 16 (0,9%) | 20 (1,9%) | 23 (3,1%) | 5 (0,7%) |
V | 3 (0,2%) | 1 (0,1%) | 3 (0,2%) | 2 (0,2%) | 0 (0,0) | 0 (0,0) |
VI | 267 (14,2%) | 291 (16,7%) | 223 (12,1%) | 114 (10,9%) | 72 (9,7%) | 36 (4,8%) |
VII | 48 (2,6%) | 0 (0,0%) | 0 (0,0%) | 0 (0,0%) | 0 (0,0%) | 0 (0,0%) |
VIII | 37 (2,0%) | 83 (4,8%) | 30 (1,6%) | 12 (1,2%) | 8 (1,1%) | 8 (1,1%) |
IX | 344 (18,4%) | 161 (9,2) | 350 (18,9%) | 197 (18,9%) | 100 (13,4%) | 134 (18,0%) |
X | 338 (18,0%) | 352 (20,2%) | 427 (23,1%) | 218 (20,9%) | 196 (26,3%) | 234 (31,4%) |
XI | 212 (11,3%) | 167 (9,6%) | 160 (8,7%) | 95 (9,1%) | 89 (11,9%) | 18 (2,4%) |
XII | 12 (0,6%) | 7 (0,4%) | 14 (0,8%) | 5 (0,5%) | 8 (1,1%) | 4 (0,5%) |
XIII | 263 (14,0%) | 316 (18,1%) | 310 (16,8%) | 186 (17,9%) | 127 (17,0%) | 238 (31,9%) |
XIV | 30 (1,6%) | 36 (2,1%) | 26 (1,4%) | 19 (1,8%) | 7 (0,9%) | 2 (0,3%) |
XVIII | 41 (2,2%) | 98 (5,6%) | 48 (2,6%) | 31 (3,0%) | 18 (2,4%) | 5 (0,7%) |
XIX | 142 (7,6%) | 137 (7,9%) | 143 (7,7%) | 110 (10,6%) | 48 (6,4%) | 14 (1,9%) |
XXII | 0 | 0 | 0 | 0 | 22 (3,0%) | 1 (0,1%) |
Tổng | 1.874 | 1.743 | 1.848 | 1.042 | 745 | 709 |
Chương bệnh X bệnh của hệ hô hấp, chương bệnh XIII bệnh hệ cơ, xương, khớp và mô liên kết tiếp, chương bệnh IX bệnh hệ tuần hoàn Chương bệnh XIX chấn thương, ngộ độc và hậu quả của các nguyên nhân bên ngoài và chương bệnh VI bệnh hệ thần kinh là 05 chương có tỷ lệ cao nhất trong số bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện. Không có nhóm bệnh nào có sự tăng, giảm đột biến trong các năm.
Bảng 3.2. Phân bố bệnh tật theo 22 chương bệnh ICD-10 giai đoạn 2018 - 2023
Chương bệnh | Số lượng (N) | Tỷ lệ (%) |
I. Bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng | 200 | 2,5 |
II. U tân sinh | 154 | 1,9 |
III. Bệnh máu, cơ quan tạo máu và các bệnh lý liên quan đến cơ chế miễn dịch | 18 | 0,2 |
IV. Bệnh nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hoá | 91 | 1,1 |
V. Rối loạn tâm thần và hành vi | 9 | 0,1 |
VI. Bệnh hệ thần kinh | 1.003 | 12,6 |
VII. Bệnh mắt và phần phụ của mắt | 48 | 0,6 |
VIII. Bệnh tai và xương chũm | 178 | 2,2 |
IX. Bệnh hệ tuần hoàn | 1.286 | 16,2 |
X. Bệnh hệ hô hấp | 1.765 | 22,2 |
XI. Bệnh hệ tiêu hoá | 741 | 9,3 |
XII. Bệnh da và tổ chức dưới da | 50 | 0,6 |
XIII. Bệnh hệ cơ, xương, khớp và mô liên kết | 1.440 | 18,1 |
XIV. Bệnh hệ sinh dục, tiết niệu | 120 | 1,5 |
XVIII. Các triệu chứng, dấu hiệu và những biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng bất thường không phân biệt ở nơi khác | 241 | 3,0 |
XIX. Chấn thương, ngộ độc và hậu quả của các nguyên nhân bên ngoài | 594 | 7,5 |
XXII. Mã dành cho những mục đích đặc biệt | 23 | 0,3 |
Tổng | 7.961 | 100 |
Bệnh thuộc chương bệnh X bệnh của hệ hô hấp chiếm tỷ lệ cao nhất 22,2%, chương bệnh XIII bệnh hệ cơ, xương, khớp và mô liên kết chiếm thứ hai với tỷ lệ 18,1%, tiếp đếp là chương bệnh IX bệnh hệ tuần hoàn chiếm 16,2%. Chương bệnh XIX chấn thương, ngộ độc và hậu quả của các nguyên nhân bên ngoài chiếm 7,5% và chương bệnh VI bệnh hệ thần kinh chiếm 12,6%.
Bảng 3.3. Xác định tỷ lệ 10 bệnh mắc cao nhất theo ICD-10
Tên bệnh | Số lượng (N) | Tỷ lệ (%) |
Thoái hoá cột sống (M47) | 592 | 7,44 |
Tăng huyết áp vô căn (I10) | 536 | 6,73 |
Đau thần kinh toạ (M54.3) | 494 | 6,21 |
Suy hô hấp cấp (J96.0) | 416 | 5,23 |
Viêm phổi (J18) | 379 | 4,76 |
Đau vùng cổ gáy (M54.2) | 331 | 4,16 |
Sốt không đặc hiệu (R50.9) | 221 | 2,78 |
Đau thắt ngực (I20) | 199 | 2,50 |
Đột quỵ (I64) | 189 | 2,37 |
Viêm ruột thừa cấp (K35) | 177 | 2,22 |
Nhận xét: 10 bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất của người cao tuổi trong giai đoạn 2018-2023 là Thoái hoá cột sống (M47) với tỷ lệ 7,44%, tiếp đến là tăng huyết áp vô căn (I10) 6,73%; đau thần kinh toạ (M54.3) 6,21%; suy hô hấp cấp (J96.0) 5,23%; viêm khổi (J18) 4,76%; đau vùng cổ gáy (M54.2) 4,16%; sốt không đặc hiệu (R50.9) 4,16%; đau thắt ngực (I20) 2,5%; đột quỵ (I64) 2,37% và viêm ruột thừ cấp (K35) 2,22%.
Bảng 3.4. Phân loại bệnh tật theo nhóm bệnh
Nhóm bệnh | Số lượng (N) | Tỷ lệ (%) |
Lây | 248 | 3,1 |
Không lây | 7.119 | 89,4 |
Tai nạn, ngộ độc và chấn thương | 594 | 7,5 |
Tổng | 7.961 | 100 |
Bệnh thuộc nhóm không lây chiếm đa số với tỷ lệ 89,4%, bệnh thuộc nhóm tai nạn, ngộ độc và chấn thương chiến 7,5% và thấp nhất ở nhóm bệnh lây với tỷ lệ 3,1%.
Bảng 3.5. Phân loại kết quả điều trị
Nhóm bệnh | Số lượng (N) | Tỷ lệ (%) |
Đỡ, giảm | 3.373 | 46,9 |
Khỏi | 3.771 | 47,4 |
Không thay đổi | 139 | 1,7 |
Nặng hơn | 281 | 3,5 |
Tử vong | 33 | 0,4 |
Tổng | 7.961 | 100 |
Kết quả bệnh nhân khỏi chiếm cao nhất với tỷ lệ 47,5%, tiếp đến là có đỡ, giảm triệu chứng với tỷ lệ 46,9%.
Bảng 3.6. Mối liên quan giữa nhóm tuổi và phân nhóm bệnh
Nhóm tuổi | Nhóm bệnh | p | ||
Lây | Không lây | Tai nạn, ngộ độc và chấn thương | ||
60 – 69 | 102 (4,7%) | 1.878 (85,9%) | 207 (9,5%) | 0,001 |
70 – 79 | 97 (2,7%) | 3.271 (90,2%) | 259 (7,1%) | |
≥ 80 | 49 (2,3%) | 1.970 (91,8%) | 128 (6,0%) | |
Tổng | 248 (3,1%) | 7.119 (89,4%) | 594 (7,5%) |
Có mối liên quan giữa nhóm tuổi và nhóm bệnh (p <0,05).
Bảng 3.14. Mối liên quan giữa nhóm tuổi và phân nhóm bệnh
Dân tộc | Nhóm bệnh | p | ||
Lây | Không lây | Tai nạn, ngộ độc và chấn thương | ||
Kinh | 66 (3,9%) | 1.510 (88,8%) | 124 (7,3%) | 0,119 |
Khác | 182 (2,9%) | 5.609 (89,6%) | 470 (7,5%) | |
Tổng | 248 (3,1%) | 7.119 (89,4%) | 594 (7,5%) |
Không có mối liên quan giữa yếu tố dân tộc và nhóm bệnh của NCT trong nghiên cứu.
Bảng 3.15. Mối liên quan giữa giới tính và phân nhóm bệnh
Giới tính | Nhóm bệnh | p | ||
Lây | Không lây | Tai nạn, ngộ độc và chấn thương | ||
Nam | 132 (3,4%) | 3.532 (89,7%) | 273 (6,9%) | 0,112 |
Nữ | 116 (2,9%) | 3.587 (89,1%) | 321 (8,0%) | |
Tổng | 248 (3,1%) | 7.119 (89,4%) | 594 (7,5%) |
Không có mối liên quan giữa yếu tố giới tính và nhóm bệnh của NCT trong nghiên cứu.
4.1. Phân bố bệnh tật theo 22 chương bệnh ICD-10
Bệnh thuộc chương bệnh X bệnh của hệ hô hấp chiếm tỷ lệ cao nhất 22,2%, chương bệnh XIII bệnh hệ cơ, xương, khớp và mô liên kết chiếm thứ hai với tỷ lệ 18,1%, tiếp đếp là chương bệnh IX bệnh hệ tuần hoàn chiếm 16,2%. Chương bệnh XIX chấn thương, ngộ độc và hậu quả của các nguyên nhân bên ngoài chiếm 7,5% và chương bệnh VI bệnh hệ thần kinh chiếm 12,6%. Theo tác giả Phạm Thị Phượng, tỷ lệ các loại bệnh chiếm từ cao xuống thấp là bệnh cơ xương khớp 22,62%, Tăng huyết áp 20,65%, bệnh về mắt 19,59%, Răng hàm mặt 13,67%, tim 6,60%, TMH 4,18%, tiêu hoá 3,56%, phế quản, phổi 2,37%, thần kinh 2,66%, nội tiết 2,13%, tâm thần 0,38%, sản phụ khoa 0,38%, thận tiết niệu 0,37%, da liễu 0,37%, ngoại khoa 0,37% [4]. Phan Chung Thùy Lynh (2022) nghiên cứu về mô hình bệnh tật người cao tuổi đến khám tại phòng khám bác sỹ gia đình Bệnh viện Lê Văn Thịnh năm 2022 cho kết quả năm chương bệnh mắc hàng đầu theo ICD-10 là chương bệnh hệ tuần hoàn; bệnh nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hoá; bệnh hệ tiêu hoá; rối loạn tâm thần và hành vi; bệnh hệ cơ xương và mô liên kết. Trong đó chương bệnh hệ tuần hoàn chiếm cao nhất 74,5% [3]. Trong nghiên cứu của Đặng Xuân Tin, bệnh nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa chiếm tỷ lệ cao nhất (65,3%), với béo phì, đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa lipid là các bệnh phổ biến, phản ánh tác động của lối sống và chế độ ăn uống đến sức khỏe của NCT. Bệnh xương khớp chiếm 63,5%, cao hơn nhiều so với các nghiên cứu trước, do điều kiện thời tiết và quá trình lão hóa. Bệnh tim mạch chiếm 50,5%, cho thấy sự phổ biến của các bệnh tim mạch và tăng huyết áp trong nhóm NCT. Bệnh tiêu hóa chiếm 50,0%, với gan nhiễm mỡ là một yếu tố đáng chú ý (30,6%). Bệnh tiết niệu và hô hấp chiếm tỷ lệ thấp hơn (21,5% và 5,9% tương ứng) so với các nghiên cứu khác. Tỷ lệ mắc từ 2 bệnh trở lên chiếm 91,1%, phản ánh sự suy giảm sức khỏe tổng thể của NCT. Thời tiết ẩm ướt và lạnh ở miền Bắc cũng có thể góp phần làm gia tăng các vấn đề về xương khớp, khiến NCT dễ mắc các bệnh này hơn [6]. Lý do cho sự khác biệt về mô hình bệnh tật tại các địa phương có sự khác nhau có thể do nhiều yếu tố: Địa lý, khí hậu, thời tiết, thói quen ăn uống, luyện tập thể dục thể thao, công việc... Tuy nhiên vẫn cho thấy các bệnh phổ biến hay gặp ở NCT. Hiểu rõ về các bệnh phổ biến và nhóm tuổi nhiều nhất sẽ giúp các nhà quản lý y tế và chính trị gia điều chỉnh và cải thiện các dịch vụ y tế, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người cao tuổi. Đồng thời, thông tin từ nghiên cứu này cũng có thể giúp trong việc phát triển các chương trình can thiệp sớm và hiệu quả hơn để ngăn ngừa và quản lý các bệnh thường gặp ở người cao tuổi.
4.2. 10 bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất
Kết quả nghiên cứu cho thấy 10 bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất của người cao tuổi trong giai đoạn 2018-2023 là Thoái hoá cột sống (M47) với tỷ lệ 7,44%, tiếp đến là tăng huyết áp vô căn (I10) 6,73%; đau thần kinh toạ (M54.3) 6,21%; suy hô hấp cấp (J96.0) 5,23%; viêm khổi (J18) 4,76%; đau vùng cổ gáy (M54.2) 4,16%; sốt không đặc hiểu (R50.9) 4,16%; đau thắt ngực (I20) 2,5%; đột quỵ (I64) 2,37% và viêm ruột thừ cấp (K35) 2,22%. Một nghiên cứu về mười bệnh nội trú có tỷ lệ mắc cao nhất trong 5 năm tại bệnh viện Lê Lợi là: Viêm phổi do vi trùng (J15) 7,3%, sốt xuất huyết (A91) 3,5%, tổn thương không xác định khác tác động nhiều vùng cơ thể (T06.8) 2,7%, tăng huyết áp vô căn (I10) 2,6%, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (J44) 2,2%, nhiễm trùng đường ruột (A04) 2,0%, rối loạn chức năng tiền đình (H81) 1,9%, viêm họng cấp (J02) 1,9%, nhiễm virus vị trí không xác định (B34) 1,6%, bệnh đái tháo đường không phụ thuộc Insulin (E11) 1,3%, bệnh khác chiếm tỷ lệ 7,3%. Nghiên cứu của Nguyễn Trần Hữu Tuấn nhận thấy rằng: Mười nhóm bệnh vào khoa có tỉ lệ từ cao đến thấp lần lượt là: nhóm XIX (vết thương, ngộ độc và hậu quả của một số nguyên nhân bên ngoài) 30,1%; nhóm XI (bệnh hệ tiêu hóa) 17,7%; nhóm I (bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng)13,4%; nhóm X (bệnh hệ hô hấp) 9,9%; nhóm IX (bệnh hệ tuần hoàn) 9,6%; nhóm VIII (bệnh tai và xương chũm) 6,1%; nhóm XIV (bệnh hệ sinh dục – tiết niệu) 4,9%; nhóm XVIII (các triệu chứng, dấu hiệu và những biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng bất thường, không phân loại ở phần khác) 2,7%; nhóm IV (bệnh nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa) 1,8% và nhóm XIII (bệnh của hệ cơ xương khớp và mô liên kết) 1,3% [7]. Nghiên cứu về mô hình bệnh tật người cao tuổi đến khám tại phòng khám bác sỹ gia đình Bệnh viện Lê Văn Thịnh năm 2022 cho kết quả mười bệnh mắc hàng đầu là tăng huyết áp vô căn, rối loạn chuyển hoá lipoprotein, bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn, viêm dạ dày, đái tháo đường týp 2, rối loạn chức năng tiền đình, thoái hoá khớp, rối loạn lo âu, loãng xương và trầm cảm [3]. Sự khác biệt này có thể là do địa điểm, thời gian và đối tượng nghiên cứu của mỗi nghiên cứu là khác nhau. Nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào đối tượng là người cao tuổi, còn những nghiên cứu khác áp dụng cho toàn bộ các nhóm tuổi. Việc xác định các bệnh thường gặp ở người cao tuổi có thể áp dụng để cung cấp cơ sở cho việc tiếp tục nghiên cứu với mẫu số lượng lớn hơn, hỗ trợ việc điều chỉnh chính sách và phát triển các chương trình can thiệp phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi trong cộng đồng
4.3. Mô hình bệnh tật theo nhóm bệnh
Trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh thuộc nhóm không lây chiếm đa số với tỷ lệ 89,4%, bệnh thuộc nhóm tai nạn, ngộ độc và chấn thương chiến 7,5% và thấp nhất ở nhóm bệnh lây với tỷ lệ 3,1%. Theo như nghiên cứu của chúng tôi thì xu hướng 3 nhóm bệnh là bệnh không lây, bệnh lây và cuối cùng là bệnh tai nạn thương tích, cũng giống như mô hình bệnh tật chung trong cả nước. Kết quả ngày tương tự kết quả nghiên cứu tại của Phan Chung Thùy Lynh, trong đó mô hình bệnh tật tại phòng khám bác sĩ gia đình bệnh viện Lê Văn Thịnh cho thấy tỷ lệ các bệnh mạn không lây ở người cao tuổi chiếm ưu thế, nhất là bệnh tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn, đái tháo đường týp 2. Vấn đề thoái hoá khớp và sức khoẻ tâm thần của người cao tuổi cần được quan tâm hơn nữa [3]. Kết quả này cũng giống với nghiên cứu Dương Phúc Lam với cơ cấu 3 nhóm bệnh, nhóm bệnh không lây, bênh lây, tai nạn thương tích lần lượt là (78%, 17,2%, 4,6%) [2]. Cơ cấu 3 nhóm bệnh không lây, lây, tai nạn thương tích dần cũng có xu hướng thay đổi mang tính giao thoa giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển, như ở Campuchia, Bangladesh, là những đất nước nghèo, trước đây các bệnh thường gặp lại là viêm hô hấp dưới, sốt rét, lao, tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, các bệnh còn phổ biến ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên với sự nỗ lực của Chính phủ, hệ thống y tế và nhân dân, các bệnh lý lây nhiểm ngày càng giảm xuống.
4.4. Số ngày điều trị theo 22 chương bệnh ICD-10 giai đoạn 2018 - 2023
Số ngày điều trị trung bình tại Bệnh viện là là 7,63 ± 4,2 ngày, cao nhất nhóm bệnh chương VI bệnh hệ hô hấp với 8,81 ± 5,2 ngày, thấp nhất ở nhóm bệnh chương VII bệnh mắt và phần phụ với 2,75 ± 1,2 ngày. Kết quả này giống với nghiên cứu của nghiên cứu cắt ngang của Cicih Opitasari năm 2017 tại Jakarta thời gian nằm viện trung bình là 9 ± 8 ngày. Các nhóm hệ tim mạch là nguyên nhân hàng đầu của nhập viện, tuy nhiên các nhóm bệnh về hệ hô hấp là những bệnh phổ biến nhất khiến người bệnh phải nằm viện lâu [9]. Theo thống kê y tế năm 2009, số ngày điều trị nội trú trung bình của một bệnh nhân nội trú là 6,99 ngày trong đó tuyến trung ương là 10,78 ngày, y tế các ngành là 11 ngày và tuyến y tế địa phương là 6,7 ngày. Năm 2011, số ngày điều trị nội trú trung bình của một bệnh nhân nội trú là 6,83 ngày trong đó tuyến trung ương là 9,41 ngày, y tế các ngành là 6,55 ngày và tuyến y tế địa phương là 6,61 ngày.
4.5. Kết quả điều trị: Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ điều trị bệnh nhân khỏi chiếm cao nhất với tỷ lệ 47,5%. Kết quả này cao hơn kết quả của Lục Nguyễn Hữu (2023) nghiên cứu mô hình bệnh tật bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú tại khoa Hồi sức cấp cứu – Bệnh viện đa khoa Vị Xuyên, trong đó điều trị khỏi là 9,92% [1]. Như vậy có thể thấy chất lượng điều trị của Bệnh viện ngày càng được nâng lên, thu hút lượng bệnh nhân đến Bệnh viện ngày càng nhiều hơn.
Nhóm tuổi: Kết quả tại bảng 3.13 cho thấy có mối liên quan giữa nhóm tuổi và mô hình bệnh tật của người cao tuổi (p <0,05). Tương tự trong kết quả của Huỳnh Nguyễn Phương Quang nghiên cứu thực trạng bệnh mãn tính và một số yếu tố liên quan ở người cao tuổi quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ năm 2020, trong đó ghi nhận các yếu tố liên quan đến tỉ lệ mắc bệnh mãn tính ở người cao tuổi bao gồm: nhóm tuổi (p = 0,003), công việc hiện tại (OR = 2,1; KTC 95%: 1,2 - 3,9; p = 0,012), trình độ học vấn (OR = 1,8; KTC 95%: 1,1 - 3,1; p = 0,023), tình trạng hôn nhân hiện tại (OR = 2,3; KTC 95%: 1,3 – 4,2; p = 0,004); hút thuốc lá (OR = 2,0; KTC 95%: 1,0 - 3,6; p = 0,009) và uống rượu bia quá mức thường xuyên trong 6 tháng qua (OR = 2,0; KTC 95%: 1,2 - 3,7; p = 0,019) [5].
5. KẾT LUẬN
Bệnh thuộc nhóm không lây chiếm đa số với tỷ lệ 89,4%, bệnh thuộc nhóm tai nạn, ngộ độc và chấn thương chiến 7,5% và thấp nhất ở nhóm bệnh lây với tỷ lệ 3,1%.
10 bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất của người cao tuổi trong giai đoạn 2018-2023 là Thoái hoá cột sống (M47) với tỷ lệ 7,44%, tiếp đến là tăng huyết áp vô căn (I10) 6,73%; đau thần kinh toạ (M54.3) 6,21%; suy hô hấp cấp (J96.0) 5,23%; viêm khổi (J18) 4,76%; đau vùng cổ gáy (M54.2) 4,16%; sốt không đặc hiệu (R50.9) 4,16%; đau thắt ngực (I20) 2,5%; đột quỵ (I64) 2,37% và viêm ruột thừa cấp (K35) 2,22%.
6. Một số nội dung liên quan đến mô hình bệnh tật của người cao tuổi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi giai đoạn 2018-2023
Có mối liên quan giữa nhóm tuổi và mô hình bệnh tật của người cao tuổi (p <0,05). Không có mối liên quan giữa yếu tố dân tộc, giới tính và mô hình bệnh tật của người cao tuổi trong nghiên cứu (p >0,05).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lục Nguyễn Hữu (2023), “Nghiên cứu mô hình bệnh tật bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú tại khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Vị Xuyên năm 2023”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.
2. Dương Phúc Lam, Nguyễn Tấn Đạt, Lê Văn Lèo (2019), “Nghiên cứu mô hình bệnh tật theo ICD 10 tại bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ từ năm 2013 đến 2017”, Tạp chí Y Dược học Cần Thơ, 19.
3. Phan Chung Thùy Lynh (2022), “Mô hình bệnh tật người cao tuổi tại phòng khám bác sỹ gia đình Bệnh viện Lê Văn Thịnh năm 2022”, Tạp chí Y học Việt Nam, 534 (1), pp. 153 - 160.
4. Phạm Thị Phượng (2016), “Tình hình sức khỏe người cao tuổi Thị xã Cai Lây, Tiền Giang năm 2016”, Kỷ yếu khoa học ngành y tế tỉnh Tiền Giang năm 2016.
5. Huỳnh Nguyễn Phương Quang (2021), “Thực trạng bệnh mãn tính và một số yếu tố liên quan ở người cao tuổi quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ năm 2020”, Tạp chí Y học dự phòng, Tập 31, số 9.
6. Đặng Xuân Tin (2023), “Thực trạng mô hình bệnh tật người cao tuổi quận Ba Đình, Hà Nội năm 2023”, Tạp chí Khoa học Điều dưỡng, Tập 07, số 03, pp. 110 - 119.
7. Nguyễn Trần Hữu Tuấn (2016), “Khảo sát mô hình bệnh tật tại Khoa cấp cứu tổng hợp, BVĐK khu vực Hóc Môn năm 2015”, Tạp chí y học thực hành, 12(745), pp. 22-23.
8. Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (2016), “Nghiên cứu thực trạng và một số yếu tố ảnh hưởng tới sự khác biệt về thực trạng sức khỏe, khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế tại 6 tỉnh thuộc 6 vùng kinh tế xã hội của Việt Nam năm 2014-2015”, HSPI: Hà Nội.
9. Cicih Opitasari & Nurhayati (2020), “Diseases Patterns Among Adult Hospitalized Patients: A Study Case of BPJS Claim Data in One Hospital in Jakarta”, Atlantis press Advances in Health Sciences Research, 22, pp. 440 - 443.
ELDERLY DISEASES MODEL AT NGOC HOI REGIONAL GENERAL HOSPITAL
2018 - 2023
Le Quynh Trang1, Nguyen Quang Tri, Phan Thi Ngoc Anh, Tran Thi Hoai Yen, Nguyen Van Tuc
1Ngoc Hoi regional general hospital
SUMMARY
Objective: Describe and analyze the model of elderly people examined and treated at Ngoc Hoi Regional General Hospital in the period 2018 - 2023.
Research method: This is a retrospective cross-sectional descriptive study of 7,961 elderly people who visited and were hospitalized for treatment at Ngoc Hoi Regional General Hospital during the period 2018 - 2023.
Results: The age group from 70 to 79 years old accounted for the majority with a rate of 45.6%. The average age was 75.6 years old. Chapter X diseases of the respiratory system accounted for the highest rate of 22.2%, chapter XIII diseases of the musculoskeletal system and connective tissue accounted for the second rate of 18.1%, followed by chapter IX diseases of the circulatory system accounting for 16.2%. The 10 diseases with the highest incidence rates in the elderly in the period 2018-2023 were Spinal degeneration (M47) with a rate of 7.44%, followed by idiopathic hypertension (I10) 6.73%; sciatica (M54.3) 6.21%; acute respiratory failure (J96.0) 5.23%; osteomyelitis (J18) 4.76%; neck pain (M54.2) 4.16%; non-specific fever (R50.9) 4.16%; angina (I20) 2.5%; stroke (I64) 2.37% and acute appendicitis (K35) 2.22%. There is a relationship between age group and disease group.
Recommendations: The above results show that the disease model of the elderly examined and treated at Ngoc Hoi Regional General Hospital in the period of 2018 - 2023 has a predominance in the group of non-communicable diseases (related to the endocrine, musculoskeletal, and respiratory systems). This result provides the basis for continued research with a larger sample, supporting policy adjustments and developing appropriate intervention programs, aiming to improve the quality of examination and treatment at the hospital as well as improve the quality of life for the elderly in the community.
Keywords: Disease model, elderly, Ngoc Hoi Regional General Hospital.