Đóng
  • :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA BỆNH VIỆN ĐA KHOA KHU VỰC NGỌC HỒI
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KIẾN THỨC, THỰC HÀNH TRUYỀN TĨNH MẠCH AN TOÀN CỦA ĐIỀU DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA KHU VỰC NGỌC HỒI NĂM 2024

KIẾN THỨC, THỰC HÀNH TRUYỀN TĨNH MẠCH AN TOÀN CỦA ĐIỀU DƯỠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA KHU VỰC NGỌC HỒI NĂM 2024

 

Nguyễn Thị Hằng

Nguyễn Thị Hoài Khánh

Phan Thị Hoa

Phan Thị Thu Hương

Lâm Thị N

TÓM TẮT                                                                                                         

Mục tiêu: Khảo sát kiến thức, thực trạng thực hành truyền tĩnh mạch an toàn và một số yếu tố liên quan đến thực hành truyền tĩnh mạch an toàn của Điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi năm 2024.

Phương pháp nghiên cứu: Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang từ tháng 01/2024 đến tháng 10/2024 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi.

Kết quả: Kết quả nghiên cứu cho thấy kiến thức chung về truyền tĩnh mạch an toàn của điều dưỡng đạt 76,5%; tỷ lệ thực hành đạt truyền tĩnh mạch an toàn là 81,3%. Kết quả phân tích thống kê cho thấy hai yếu tố “nhóm tuổi” và “thâm niên công tác” có liên quan có ý nghĩa thống kế đến thực hành truyền tĩnh mạch an toàn. Nhóm tuổi trên 40 có khả năng thực hành không đạt cao gấp 4,21 lần so với nhóm tuổi dưới 30 (p<0,05). Nhóm có thâm niên trên 10 năm có khả năng thực hành không đạt cao gấp 4,92 lần so với nhóm thâm niên dưới 5 năm (p<0,05). Không có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa giới, trình độ chuyên môn với thực hành truyền tĩnh mạch an toàn.

Kết luận: Kiến thức, thực hành về truyền tĩnh mạch an toàn của Điều dưỡng khá cao (kiến thức đạt 76,5%; thực hành đạt 81,3%). Nhóm tuổi và thâm niên công tác có liên quan có ý nghĩa thống kế đến thực hành truyền tĩnh mạch an toàn.

Từ khóa: Kiến thức, thực hành, truyền tĩnh mạch an toàn, Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi

 

SUMMARY

Objective: To survey the knowledge, current practices of safe intravenous administration, and some factors related to the safe IV administration practices of nurses at Ngoc Hoi Regional General Hospital in 2024.

Research Method: A cross-sectional descriptive study designed from January 2024 to October 2024 at Ngoc Hoi Regional General Hospital.

Results: The study results show that the general knowledge of safe intravenous administration among nurses reached 76.5%; the rate of safe intravenous administration practice was 81.3%. Statistical analysis results indicate that two factors, "age group" and "years of service," are significantly related to safe intravenous administration practices. The age group over 40 has a 4.21 times higher likelihood of inadequate practice compared to the age group under 30 (p<0.05). The group with more than 10 years of service has a 4.92 times higher likelihood of inadequate practice compared to the group with less than 5 years of service (p<0.05). There is no statistically significant relationship between gender, professional qualifications, and safe intravenous administration practices.

Conclusion: The knowledge and practice of safe intravenous administration among nurses is quite high (knowledge at 76.5%; practice at 81.3%). Age group and years of service are statistically significant factors related to the practice of safe intravenous administration.

Keywords: Knowledge, practice, safe intravenous administration, Ngoc Hoi Regional General Hospital.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Truyền dịch là một kỹ thuật y tế đưa một lượng lớn nước và hoạt chất có tác dụng dược lý để tiêm trực tiếp vào cơ thể qua đưỡng tĩnh mạch. Truyền dịch rất cần thiết và là biện pháp cấp cứu trong nhiều trường hợp. Theo thống kê hàng năm, toàn thế giới có khoảng 16 tỷ mũi tiêm truyền, trong đó có 90 - 95% nhằm mục đích điều trị, 5 - 10% mũi tiêm cho dự phòng. Vậy trong 16 tỷ mũi tiêm truyền đó có bao nhiêu mũi tiêm đảm bảo an toàn cho người bệnh khi mà năm 2000 theo ước tính của WHO số ca bệnh lây nhiễm do tiêm có 21 triệu ca nhiễm bệnh HBV, 2 triệu ca nhiễm HCV, 26.000 ca nhiễm HIV hàng triệu ca sốc phản vệ, chết do tiêm nhầm thuốc sai liều sai đường tiêm [12],[11].

Bộ Y tế Việt Nam cũng luôn chú trọng tới việc thực hiện TAT. Năm 2001 đến nay được sự quan tâm của Bộ Y tế, Hội Điều dưỡng cùng với sự phối hợp của Bộ Y tế đã phát động phong trào TAT trong toàn quốc. Đến năm 2012, Quyết định số 3671/QĐ-BYT được Bộ Y tế ban hành nhằm hướng dẫn cho các bệnh viện về một số khái niệm về TAT, một số giải pháp để tăng cường thực hành TAT cũng như dự phòng phơi nhiễm nghề nghiệp cho cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra, tỷ lệ tuân thủ TAT của điều dưỡng, kỹ thuật viên tại các bệnh viện chưa đạt kết quả cao [2],[3],[9]

Để có số liệu cụ thể mang tính chất khoa học, khách quan, giúp Lãnh đạo bệnh viện đánh giá thực trạng, năng lực thực hiện TAT của ĐD từ đó có giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng, tôi tiến hành thực hiện nghiên cứu “Khảo sát thực trạng truyền tĩnh mạch an toàn của điều dưỡng và một số yếu tố ảnh hưởng tại bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi năm 2024với 2 mục tiêu: (1) Khảo sát kiến thức, thực trạng thực hành truyền tĩnh mạch an toàn của Điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi năm 2024. (2) Xác định một số yếu tố liên quan đến thực hành truyền tĩnh mạch an toàn của Điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi năm 2024.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, phương pháp nghiên cứu định lượng

Địa điểm và thời gian nghiên cứu: Nghiên cứu thực hiện từ tháng 01/2024 đến hết tháng 10/2024 tại bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu:

Cỡ mẫu: Áp dụng công thức tính cỡ mẫu cho nghiên cứu mô tả để xác định                              

                                        Z2(1-α/2)*p(1-p)

                           n = 

                                                             d2

Trong đó: n: Cỡ mẫu tối thiểu; Z(1-α/2) = 1,96 (Hệ số tin cậy ở mức xác suất 0,05 hay độ tin cậy 95%); p = 0,63 Tỷ lệ tiêm truyền tĩnh mạch an toàn theo nghiên cứu của Đinh Thị Thanh Hà khi sử dụng bộ công cụ gồm 23 tiêu chuẩn để đánh giá thực hành tiêm, truyền tĩnh mạch an toàn, bộ công cụ này cũng được sử dụng trong nghiên cứu của chúng tôi [1]; d = 0,05 sai số chấp nhận trong  nghiên cứu.

Thay số liệu vào công thức trên ta có n ≈ 210. Vậy số mũi truyền tối thiểu cần quan sát/1ĐD là 210/80 ≈ 2,63 mũi. Làm tròn là 3 mũi truyền/ĐD. Vậy tổng số mũi truyền cần quan sát là 80 x 3 = 240 mũi truyền.

Biến số nghiên cứu: Nhóm biến số thông tin chung của đối tượng nghiên cứu: Tuổi, giới, trình độ học vấn, thâm niên công tác, kiến thức truyền tĩnh mạch an toàn, thực hiện quy trình truyền tĩnh mạch.

 

Đánh giá kiến thức về tiêm an toàn của điều dưỡng bằng phương pháp phỏng vấn theo bộ câu hỏi thiết kế sẵn. Đánh giá thực hành dựa trên quan sát bảng kiểm, Tiến hành quan sát trực tiếp ĐD thực hiện các kỹ thuật truyền tĩnh mạch theo bảng kiểm đã được xây dựng sẵn.

Xử lý và phân tích số liệu: Số liệu định lượng được làm sạch, nhập liệu với phần mềm Epidata 3.1 và Sử dụng phần mềm Stata 10 để phân tích số liệu.

Đạo đức nghiên cứu: Nghiên cứu đã được sự chấp thuận và phê duyệt của hội đồng đạo đức Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi theo thông báo số 549/TB-BVKVNH ngày 04/6/2024 và sự cho phép của ban lãnh đạo bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Hồi.

KẾT QUẢ

Bảng 1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu (n=80)

Đặc điểm

n

%

Tuổi

< 30 tuổi

10

12,5

30 - 40 tuổi

55

68,75

> 40 tuổi

15

18,75

Giới

Nam

15

18,75

Nữ

65

81,25

Thâm niên công tác

< 5 năm

08

10

    1. ăm

35

43,75

> 10 năm

37

46,25

Trình độ

Đại học

38

47,5

, TH

42

52,5

Nhận xét: Qua bảng 1 ta thấy số ĐD nữ nhiều hơn nam (81,25%). Trong số ĐD tham gia nghiên cứu, nhóm tuổi từ 30-40 chiếm tỷ lệ chủ yếu (68,75%), nhóm dưới 30 tuổi chiếm tỷ lệ thấp nhất (12,5%). Số ĐD có thâm niên công tác tại viện trên 10 năm (46,25%). ĐD có trình độ trung cấp, cao đẳng là 52,5% .

Biểu đồ 1.  Kiến thức truyền tĩnh mạch an toàn của điều dưỡng (n= 80)

Nhận xét: Qua biểu đồ 1 cho thấy tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức đạt về truyền tĩnh mạch an toàn[A1]  là 76,4%.

Bảng 2. Kết quả thực hiện kỹ thuật truyền tĩnh mạch (n=240)

Các bước tiến hành

Đạt

n

%

Bộc lộ vùng truyền, xác định vị trí truyền. Đặt gối kê tay dưới vùng truyền (nếu cần), thắt dây garo đúng quy định.

233

97,1

Sát khuẩn sạch vùng truyền từ trong ra ngoài theo hình xoáy ốc đường kính trên 10cm, tối thiểu 2 lần

150

62,5

Sát khuẩn tay nhanh

97

40,4

Căng da, đâm kim chếch 300 so với mặt da và đẩy kim vào TM thấy máu ở đốc kim, tháo dây ga rô/cao su

234

100

Mở khóa truyền cho dịch chảy để thông kim

240

100

Cố định đốc kim, che và cố định thân kim bằng gc vô khuẩn hoặc băng dính trong, cố định dây truyền dịch bằng băng dính

240

100

Điều chỉnh tốc độ dịch chảy theo y lệnh

231

96,2

Hướng dẫn NB những điều cần biết, giúp NB trở lại tư thế thích hợp

120

50,0

Nhận xét: Qua bảng 2 cho thấy trên 90% các điều dưỡng đã thực hiện tốt các bước: xác định đúng vị trí truyền, thắt dây garo đúng quy định để hỗ trợ thực hiện việc đưa kim vào lòng mạch, kỹ thuật đâm kim chính xác, thông kim và cố định kim đúng kỹ thuật, điều chỉnh tốc độ theo đúng y lệnh.

Có hai bước có tỷ lệ điều dưỡng thực hiện đúng thấp bao gồm: sát khuẩn tay nhanh (40,4%) và hướng dẫn người bệnh (50,5%).

Bảng 3. Kết quả thực hiện xử lý chất thải sau truyền (n=240)

Các bước tiến hành

Đạt

n

%

Phân loại rác thải sau truyền đúng quy định

235

97,9

Rửa tay/sát khuẩn tay nhanh sau khi kết thúc quy trình, ghi hồ sơ.

155

64,5

Nhận xét: Qua bảng 3 cho thấy kết quả quan sát cho thấy ĐD đã phân loại rác thải đúng cách (97,9%), chỉ có 64.5% thực hiện tốt việc sát khuẩn tay nhanh sau khi kết thúc quy trình, ghi hồ sơ.

Biểu đồ 2.  Kết quả thực hành truyền tĩnh mạch an toàn

Nhận xét: Theo kết quả trên, tỷ lệ ĐD đạt thực hành kỹ thuật truyền tĩnh mạch an toàn là 81,3%,

Bảng 4. Mối liên quan giữa đặc điểm cá nhân và thực hành truyền tĩnh mạch an toàn

Đặc điểm

Chưa đạt

Đạt

p, OR

n

%

n

%

Tuổi

 

> 40 tuổi  

  

4

26,7

11

73,3

OR = 4,21

p = 0,02

30 - 40 tuổi   

13

23,6

42

76,4

OR = 1,12

p=0,867

< 30 tuổi

(nhóm so sánh)

6

60,0

4

40,0

 

Giới

Nam 

10

66,7

5

33,3

P= 0,717

OR=1,2

Nữ 

40

61,5

25

38,5

Thâm niên

> 10 năm 

20

54,1

17

45,9

OR = 4,92

p=0,003

5-10 năm

10

28,6

25

71,4

OR=1,6

p=0,637

< 5 năm 

(nhóm so sánh)

2

25,0

6

75,0

 

Trình độ chuyên môn

Đại học 

9

23,7

29

76,3

OR=1,96

p =0,29

, TH 

16

38,1

26

61,9

Kiến thức

Không đạt

11

40,7

16

59,3

OR =1,30

p =0,637

Đạt 

18

34.0

35

66,0

Nhận xét: Qua bảng 4 cho thấy kết quả chỉ ra có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa nhóm tuổi, thâm niên công tác với kết quả thực hành truyền tĩnh mạch an toàn (p<0,05).

Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa kết quả thực hành truyền tĩnh mạch an toàn với giới tính, trình độ chuyên môn, kiến thức (p>0,05).

BÀN LUẬN

Kiến thức, thực trạng thực hành truyền tĩnh mạch an toàn của Điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi năm 2024.

* Thực trạng kiến thức truyền tĩnh mạch an toàn của điều dưỡng

Kết quả về kiến thức có 76,5% ĐD đạt về kiến thức Kiến thức truyền tĩnh mạch an toàn. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so kết quả nghiên cứu của Đinh Thị Thu Hà (64,8%)[1]; Lã Thị Thanh Lâm tại bệnh viện 354 (59%)[4]. Điều này có thể lý giải, trong 2-3 năm trở lại đây, Bệnh viện liên tục tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo về TAT, đội ngũ ĐD cũng được trải qua ít nhất 1 lần đào tạo, tập huấn. Mặt khác tại khoa luôn sẵn có các tài liệu về TAT, do vậy, ĐD đã nắm được các kiến thức cơ bản về Kiến thức truyền tĩnh mạch an toàn.

Nhìn chung, ĐD có kiến thức tương đối tốt về một số nội dung như: Khái niệm tiêm an toàn, chuẩn bị hộp chống sốc khi đi tiêm, sát khuẩn nắp chai truyền dịch trước khi cắm dây truyền, sử dụng găng chỉ cho 1 bệnh nhân và kết thúc tiêm.

95,5% ĐD trả lời đúng khái niệm về TAT là không gây ảnh hưởng tính mạng, sức khoẻ của người bệnh, đến NVYT và không tạo chất thải nguy hại cho cộng đồng, cao hơn kết quả nghiên cứu của Đinh Thị Thu Hà (693,2%)[1]. Lã Thị Thanh Lâm (93,8%)[4]. Đây là khái niệm cơ bản, các ĐD đã được tập huấn nhiều lần tại bệnh viện. Do vậy, việc tăng cường tập huấn, đào tạo sẽ giúp các ĐD hiểu, nhớ được các thông tin về tiêm an toàn một cách có hiệu quả.

Các ĐD nắm được một số kiến thức cơ bản về vô khuẩn trong thực hiện kỹ thuật TrTM. 100% trả lời đúng cần sát khuẩn nắp chai truyền dịch trước khi cắm dây truyền, 100% Một đôi găng chỉ sử dụng cho 1 bệnh nhân... 97,5% Triệu chứng nghĩ đến phản vệ, cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Phạm Thị Hoài Sinh 98,2% [8]. Điều này cũng không khó lý giải vì đây là các kiến thức rất cơ bản đã được học từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đến nay cũng không có sự thay đổi nhiều. Để thực hiện được kỹ thuật TrTM, đây là những kiến thức mà các ĐD phải nắm vững.

* Thực trạng thực hành truyền tĩnh mạch an toàn của điều dưỡng

Kết quả quan sát cho thấy tỷ lệ đạt quy trình TrTM là 81,3%. Kết quả này cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Đinh Thị Thu Hà (74,3%)[1]. Nguyễn Thị Ngọc Phương (31,4%)[5], Lã Thị Thanh Lâm (37,5%)[4]. Chúng tôi cho rằng, trong những năm gần đây, công tác truyền tĩnh mạch an toàn luôn được quan tâm, có các văn bản hướng dẫn, việc tập huấn được tổ chức liên tục, thực hành của ĐD cũng cải thiện hơn. Mặt khác, tiêu chí đánh giá mũi tiêm an toàn trong nghiên cứu của chúng tôi đặt ra thấp hơn, chỉ cần đạt từ 19/24 tiêu chí, còn nghiên cứu của Lã Thị Thanh Lâm, Nguyễn Thị Ngọc Phương phải đạt đủ 22/22 tiêu chí thì mới coi là thực hành đạt.

Có thể nói, đây là quy trình cơ bản, các ĐD ngoài được dạy kỹ trong trường còn được thực hiện lặp đi lặp lại hàng ngày nhiều lần, do đó các ĐD nắm rất tốt kỹ thuật truyền từ việc xác định đúng vị trí, tới việc đưa kim đúng góc độ để đưa được kim vào lòng tĩnh mạch để truyền thuốc đúng tốc độ theo y lệnh đồng thời quan sát sắc mặt của người bệnh. Gần 100% ĐD thực hiện tốt các bước này. Kết quả này cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Quách Thị Hoa (93,2%)[3], Lã Thị Thanh Lâm (93,8%) [4]. Trong vài năm trở lại đây, phòng ĐD đã tổ chức nhiều lớp cả lý thuyết lẫn thực hành về tiêm an toàn, kỹ năng đặt kim luồn ven và chăm sóc, theo dõi bệnh nhân truyền dịch,cho các ĐD viên, điều này giúp ĐD có kỹ năng tốt hơn trong việc thực hiện kỹ thuật.

Kết thúc quy trình truyền tĩnh mạch, ĐD đều phân loại đúng rác theo quy định 97,8%, thấp hơn kết quả nghiên cứu của Đinh Thị Thu Hà (100%)[1]; Lã Thị Thanh Lâm (98,2%)[4]. Điều này có được khi xe tiêm được thiết kế chuẩn, đủ vị trí đựng các thùng rác đúng quy định, thùng đựng VSN đảm bảo tiêu chuẩn. Mặt khác, khoa KSNK cũng thường xuyên tập huấn việc phân loại rác thải cho cán bộ nhân viên. Nhìn chung, các ĐD có kỹ thuật tốt ở nhiều bước, tuy nhiên còn hạn chế ở một số điểm như sau:

Để an toàn trước khi thực hiện cho NB, người ĐD cần kiểm tra dịch truyền, sát khuẩn nút chai, pha thuốc (nếu có) nhằm mục đích hạn chế sự nhiễm khuẩn, và cũng là để tránh tổn thương cho NVYT. Tỷ lệ ĐD thực hiện bước này chỉ đạt 25,4%. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với kết quả của các nghiên cứu khác [1],[4],[6],[10]. Thực tế nắp lọ đã kín, đã vô khuẩn, nếu miếng bông sát khuẩn không đảm bảo thì việc sát khuẩn vô hình chung có đem lại vi khuẩn thêm cho lọ thuốc. một số ĐD cho rằng việc bỏ qua bước này không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh, do đó họ đã bỏ qua  không thực hiện bước này. Đây là vấn đề cho thấy cần tăng cường đào tạo, tập huấn lại cho đội ngũ ĐD viên.

Một số yếu tố liên quan đến truyền tĩnh mạch an toàn của Điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi năm 2024

Không có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa giới tính, trình độ học vấn, kiến thức với kết quả thực hành đạt. Kết quả này tương đồng với kết quả nghiên cứu của Hoàng Thị Hoa [2] và Lã Thị Thanh Lâm [4], Đinh Thị Thu Hà [1] cũng không có mối liên quan giữa giới tính, kiến thức và thực hành.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi tìm thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa tuổi, thâm niên công tác với kết quả thực hành đạt. ĐD có độ tuổi trên 40 có khả năng thực hành không đạt cao gấp 4,21 lần so với nhóm ĐD có độ tuổi dưới 30, nhóm có thâm niên trên 10 năm có khả năng thực hành không đạt cao gấp 4,92 lần so với nhóm thâm niên dưới 5 năm (p<0,05). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi khác với kết quả nghiên cứu của Đinh Thị Thu Hà, Hà Thị Kim Phượng đưa ra là nhóm dưới 30 tuổi, nhóm có thâm niên dưới 5 năm thực hành không đạt cao hơn nhóm khác [1],[7]. Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tiêm an toàn từ năm 2012, các trường Đại học, trung học Y tế đã đưa thực hành TAT vào chương trình học. Do vậy, đối tượng trẻ tuổi sẽ được cập nhật chương trình mới hơn đối tượng lớn tuổi.

Hạn chế của nghiên cứu

Do hạn chế về nguồn lực và thời gian, nghiên cứu của chúng tôi chỉ tiến hành tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi. Tại thời điểm đánh giá, chỉ đánh giá quy trình truyền tĩnh mạch an toàn, không thể đánh giá đại diện cho kết quả tiêm an toàn cho bệnh viện. Sự có mặt của nhóm ĐTV khi đi quan sát ĐD thực hiện quy trình truyền dịch đã ảnh hưởng đến ĐD họ chú ý hơn trong thực hiện kỹ thuật. Chính vì vậy kết quả nghiên cứu, Các giải pháp chỉ áp dụng trong khuôn khổ nhất định.

KẾT LUẬN

Kiến thức, thực trạng thực hành truyền tĩnh mạch an toàn của Điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi năm 2024

- Kiến thức chung của nhân viên y tế về truyền tĩnh mạch an toàn còn thấp, chiếm tỷ lệ 66,0%: Một số kiến thức mà ĐD nắm chưa vững, chưa chắc (Các biện pháp xử trí viêm tĩnh mạch, phân biệt các loại dịch đẳng trương và ưu trương, thời gian lưu bộ dây truyền).

- Tỷ lệ Điều dưỡng thực hành đạt kỹ thuật truyền tĩnh mạch an toàn81,3%: Một số hoạt động mà Điều dưỡng thực hiện còn thấp (Kiểm tra dịch truyền, sát khuẩn nút chai đạt 25,4%; “sát khuẩn tay nhanh trước thực hiện kỹ thuật truyền tĩnh mạch đạt 35,2 %; "Hướng dẫn NB những điều cần biết, giúp NB trở lại tư thế thích hợp" đạt 50,5%).

Yếu tố liên quan đến truyền tĩnh mạch an toàn của Điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi năm 2024.

Có mối liên quan giữa tuổi, thâm niên của Điều dưỡng với thực hành truyền tĩnh mạch an toàn p<0,05.

KHUYẾN NGHỊ

- Đào tạo, tập huấn về kiến kiến thức về truyền tĩnh mạch an toàn cho điều dưỡng bệnh viện, đặc biệt các nội dung: Nguyên nhân, xử trí viêm tĩnh mạch, Nguyên tắc vô trùng trong thực hiện tiêm, Các thời điểm vệ sinh tay.                                                                                      

- Tập huấn về thực hành truyền dịch an toàn cho điều dưỡng, đặc biệt các nội dung: Sát khuẩn tay nhanh (các thời điểm vệ sinh tay), Thực hành hỗ trợ người bệnh, nhận định, giải thích cho người bệnh.

- Lập kế hoạch, danh sách các điều dưỡng lớn tuổi, thực hành chưa tốt để đào tạo lại, tập huấn lại kỹ năng thực hành.

- Tăng cường giám sát các điều dưỡng lớn tuổi để đảm bảo thực hiện đúng quy trình.

- Phân công nhóm theo cặp: ĐD giỏi và ĐD chưa đạt để trực tiếp đôn đốc, nhắc nhở nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đinh Thanh Hà (2019), Thực trạng tiêm, truyền tĩnh mạch an toàn của điều dưỡng và một số yếu tố ảnh hưởng tại bệnh viện e năm 2019, Luận văn thạc sĩ quản lý bệnh viện, Đại học Y tế công cộng.

2. Hoàng Thị Hoa (2016), Thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến tiêm và truyền an toàn của điều dưỡng các khoa lâm sàng Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang 6 tháng đầu năm 2016, Luận văn thạc sĩ quản lý bệnh viện, Đại học Y tế công cộng.

3. Quách Thị Hoa (2016), Thực trạng tuân thủ quy trình tiêm tĩnh mạch an toàn và một số yếu tố liên quan của điều dưỡng tại bệnh viện Nhi trung ương năm 2017, Luận văn thạc sĩ quản lý bệnh viện, Đại học Y tế công cộng.

4. Lã Thị Thanh Lâm(2018), Kiến thức, thực hành về tiêm an toàn của điều dưỡng bệnh viện Quân y 354 và một số yếu tố ảnh hưởng năm 2018 Luận văn thạc sĩ quản lý bệnh viện, Đại học Y tế công cộng.

5. Nguyễn Thị Ngọc Phương (2018), Thực trạng và các yếu tố liên quan đến tiêm an toàn của điều dưỡng tại Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hoà năm 2018, Luận văn Thạc sĩ Quản lý bệnh viện, Đại học Y tế Công cộng.

6. Quách Văn Phương (2015), Kiến thức, thực hành về tiêm an toàn và một số yếu tố liên quan của điều dưỡng bệnh viện Đa khoa U Minh, Cà Mau năm 2015, Luận văn thạc sĩ quản lý bệnh viện, Đại học Y tế công cộng.

7. Trần Thị Minh Phượng (2012), Đánh giá thực hiện tiêm an toàn tại bệnh viện đa khoa Hà Đông, Hà Nội năm 2012, Luận văn Thạc sĩ quản lý bệnh viện, Đại học Y tế công cộng.

8. Phạm Thị Hoàn Sinh (2017), Kiến thức, thực hành về tiêm an toàn và một số yếu tố liên quan của điều dưỡng, nữ hộ sinh tại trung tâm y tế huyện Lộc Ninh tỉnh Bình Phước năm 2017, Luận văn Thạc sĩ Quản lý bệnh viện, Đại học Y tế Công cộng.

9. Đặng Thị Thanh Thuỷ và các cộng sự (2016), Kiến thức, kỹ năng thực hành tiêm an toàn và một số yếu tố liên quan của học sinh trường Trung cấp y tế tỉnh Kon Tum năm 2016, Sở Y tế Kon Tum.

10. Nguyễn Quang Tiến(2018), Đánh giá thực hành tiêm an toàn của điều dưỡng tại Bệnh viện Quân y 105, năm 2018 và một số yếu tố ảnh hưởng, Luận văn Thạc sĩ Quản lý bệnh viện, Đại học Y tế Công cộng.

11. WHO, Unsafe infection. 3/2000.

12. WHO (2003) “Tiêm an toàn, thông tin và số liệu toàn cầu” (Safety ofInjections. Global Facts and Figures), tr. 1-2

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Hoạt động bệnh viện
  • IMG_7184
  • IMG_4411
  • IMG_7005
Video Clip
Sơ đồ bệnh viện
Thông báo văn bản