Đóng lại
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỉnh Kon Tum chủ động phòng, chống lao tại cộng đồng

Tỉnh Kon Tum chủ động phòng, chống lao tại cộng đồng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có 1,7 triệu người tử vong do lao hàng năm trên toàn thế giới, tức là khoảng 4.700 người tử vong mỗi ngày vì lao.
Bệnh lao là một trong ba bệnh gây tử vong nhiều nhất cho phụ nữ tuổi từ 15 đến 44; là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người có HIV với khoảng một phần tư tổng số ca tử vong ở nhóm người này. Số người mắc mới hàng năm khoảng 9,4 triệu, trong đó có 3,3 triệu phụ nữ, 1,1 triệu người có HIV(+). Tại Việt Nam, bệnh lao vẫn còn nặng nề, xếp thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới, xếp thứ 14 trong 27 nước có tình hình lao đa kháng và siêu kháng thuốc cao. WHO ước tính mỗi năm ở nước ta có khoảng 180.000 ca bệnh lao, 20.000 người chết do lao.  

Xét nghiệm tìm vi khuẩn lao tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, nhiều năm qua, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội đã quan tâm củng cố mạng lưới phòng, chống lao từ tỉnh đến cơ sở, tích cực triển khai các hoạt động chuyên môn. Đến nay, 100% cán bộ chuyên trách phòng chống lao tuyến huyện, xã và nhân viên y tế thôn, làng đã được tập huấn nâng cao kỹ năng; 97/97 xã, phường, thị trấn đã triển khai hoạt động quản lý chương trình; nhận thức về phòng, chống bệnh lao của người dân trên địa bàn tỉnh được tăng lên, bệnh nhân tự giác hơn trong thực hiện liệu trình điều trị. Trong năm 2013, toàn tỉnh Kon Tum phát hiện mới 302 bệnh nhân lao các thể, quản lý điều trị hơn 500 bệnh nhân (bao gồm cả bệnh nhân phát hiện từ năm 2012 chuyển sang), tỷ lệ hoàn thành điều trị đạt 97%.
Theo Bs CKI. Hoàng Thị Tuyến - Trưởng Khoa Lao và Bệnh phổi Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội thì khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác phòng, chống lao là đa số bệnh nhân mắc lao đều là người nghèo, sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, sự hiểu biết về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế nên việc phát hiện nguồn bệnh gặp rất nhiều trở ngại. Tỷ lệ bệnh nhân lao được phát hiện mới ước đạt khoảng 60% số bệnh nhân lao hiện có trong cộng đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc, bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV ngày càng gia tăng (chiếm khoảng 8% số bệnh nhân lao). Vi khuẩn lao đa kháng thuốc rất khó chữa trị và nguy cơ lây lan nhanh. Người mắc vi khuẩn này cần phải điều trị hơn 2 năm so với 8 tháng ở những bệnh nhân lao thông thường và chi phí điều trị cũng tăng gấp nhiều lần. Trong khi đó, định hướng của nước ta là giảm nhanh số mắc và số chết do lao đến 50% vào năm 2015, tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030. Để thực hiện được điều này đòi hỏi có sự đổi mới toàn diện trong chiến lược chống lao. Đó là đổi mới tư duy, có sự tham gia đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể; có sự quan tâm đầu tư thỏa đáng, thực hiện chính sách ưu tiên đặc biệt trên lĩnh vực phòng, chống lao; ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức phòng, chống lao trong nhân dân; đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ y tế các cấp về quản lý Tiểu dự án phòng chống lao đồng thời tăng cường công tác giám sát, đánh giá hoạt động chống lao tại cơ sở để nâng cao hiệu quả phát hiện, quản lý điều trị bệnh nhân lao.
Bệnh lao là một căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể chữa khỏi và phòng tránh được. Song để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lao ngoài các biện pháp chuyên môn cần có sự chuyển biến về nhận thức của cả cộng đồng mới có thể phát hiện, khống chế, đẩy lùi, tiến tới thanh toán bệnh lao.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hoạt động bệnh viện
  • IMG_7184
  • IMG_4411
  • IMG_7005
Video Clip
Sơ đồ bệnh viện
Thông báo văn bản