Đóng lại
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điều cần biết về bệnh sởi và cách phòng bệnh

Những điều cần biết về bệnh sởi và cách phòng bệnh

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa Đông - Xuân.
Đến nay sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt ở nhóm người chưa có miễn dịch phòng bệnh sởi do chưa được tiêm chủng vắc xin sởi, chưa từng mắc bệnh sởi trước đó.
Ở Việt Nam, năm 2013 cả nước đã ghi nhận 1.048 trường hợp mắc sởi. Tính đến ngày 23/02/2014, toàn quốc ghi nhận 993 ca mắc sởi tại 25 tỉnh, thành phố; các địa phương có số trường hợp mắc cao là Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và đã có 3 trường hợp tử vong do sởi.
Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay bệnh đã xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc lại.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là: sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sau: ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp.
Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như: mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra xảy thai, đẻ non.
Khi trẻ mắc sởi, bà mẹ cần thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc sau:
- Cho trẻ nằm nơi mát mẻ thoáng khí, không cần phải kiêng nước, kiêng gió.
- Giữ gìn vệ sinh, tắm rửa hằng ngày, vệ sinh răng miệng đúng cách.
- Rửa, nhỏ thuốc mũi hoặc mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý 3 - 4 lần trong ngày.
- Nên ăn các loại thức ăn mềm, lỏng tốt cho hệ tiêu hóa. Nên ăn nhiều trái cây, uống nhiều nước hoa quả, uống nhiều nước để phòng bé bị mất nước do tiêu chảy hoặc sốt cao.
- Chườm ấm khi trẻ sốt nhẹ, uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao.
- Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.
- Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu sốt, phát ban dạng sởi để được khám và điều trị kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Các biện pháp phòng bệnh:
- Phòng bệnh chủ động bằng vắc xin: Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 - 11 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi trẻ mắc sởi thì trẻ sẽ có miễn dịch có thể bền vững suốt đời. Tiêm vắc xin phòng sởi cho các đối tượng khác tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
- Cách ly bệnh nhân và vệ sinh cá nhân:
+ Bệnh nhân sởi phải được cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
+ Sử dụng khẩu trang phẫu thuật cho bệnh nhân, người chăm sóc, tiếp xúc gần và nhân viên y tế.
+ Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh.
+ Che miệng khi ho, hắt hơi.
+ Hạn chế tiếp xúc gần không cần thiết của nhân viên y tế và người thăm bệnh nhân đối với bệnh nhân.
- Thời gian cách ly: bệnh nhân phải được cách ly trong suốt giai đoạn viêm long cho đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban.

BS Lê Vũ Thức

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hoạt động bệnh viện
  • IMG_7184
  • IMG_4411
  • IMG_7005
Video Clip
Sơ đồ bệnh viện
Thông báo văn bản